Lịch sử hình thành Tổng_Cục_Dự_trữ_Nhà_nước

Tháng 9 năm 1955, Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã họp và ra Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với hệ thống Dự trữ quốc gia là: "Phải xây dựng được một lực lượng dự trữ hùng hậu để ứng phó với mọi tình huống bất trắc xảy ra". Theo đó, ngày 13-01-1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ban hành Quyết định số 663/TTg, về tổ chức lực lượng dự trữ vật tư của quốc gia, với danh mục 27 loại hàng hoá thiết yếu; đồng thời tạm giao cho Ủy ban Kế hoạch quốc gia theo dõi, đôn đốc hoạt động dự trữ này và giao cho các Bộ: Thương nghiệp, Công nghiệp, Quốc phòng, Y tế trực tiếp bảo quản 27 loại hàng dự trữ quốc gia nói trên; chỉ được xuất kho theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ.

Để thống nhất tổ chức bộ máy quản lý lực lượng dự trữ quốc gia, ngày 07-8-1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ban hành Nghị định số 997/TTg, về việc thành lập Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước, trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức bộ máy của Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước lúc đó gồm 04 phòng và hệ thống các kho dự trữ vật tư của Nhà nước trên các địa bàn quan trọng từ Vĩnh Linh trở ra. Để triển khai nhiệm vụ thống nhất quản lý Nhà nước về dự trữ quốc gia và trực tiếp giữ gìn, bảo quản các loại hàng hoá dự trữ, Thủ tướng đã thành lập 18 Ban Đại diện Vật tư dự trữ trực thuộc Cục, trực tiếp quản lý các kho dự trữ, đặt tại 18 tỉnh từ Quảng Bình trở ra.Như vậy, với Nghị định 997/TTg ngày 07-8-1956, hệ thống tổ chức quản lý Dự trữ quốc gia đã chính thức hoạt động độc lập; với chức năng, nhiệm vụ và vị trí của một tổ chức chuyên ngành trong nền kinh tế. Đây là tổ chức tiền thân của Tổng cục Dự trữ Nhà nước ngày nay. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra Quyết định số 1371/QĐ-TTg ký ngày 06-8-2010, lấy ngày 07 tháng 8 hàng năm là "Ngày Truyền thống của ngành Dự trữ Nhà nước".